Chu trình Nitơ là gì? Tại sao phải tạo chu trình nitơ trong bể thuỷ sinh? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chu trình Nitơ để giữ bể cá cảnh hoạt động tốt nhất.
Chu trình nitơ là gì?
Chu trình Nitơ là một quá trình mà ni-tơ sẽ được chuyển hóa, biến đổi qua lại dưới dạng các hợp chất hoá học của nó. Quá trình này sẽ giúp dọn dẹp các chất thải phân huỷ, cung cấp dinh dưỡng cho cây thuỷ sinh và làm sạch môi trường nước bể.
Lá cây mục, thức ăn thừa hay chất thải của các sinh vật khiến môi trường bể thủy sinh bị ô nhiễm. Trong tự nhiên vấn đề này không quá nghiêm trọng bởi dòng nước được lưu thông liên tục. Tuy nhiên, trong bể thủy sinh, một không gian hẹp với dòng nước lưu thông được tạo ra một cách có giới hạn bởi hệ thống bộ lọc, những chất thải nếu không được dọn dẹp sẽ bị phân hủy và tạo ra amoniac (NH3), một hợp chất từ nitơ và hydro có hại cho bể cá của bạn.
Amoniac không gây ảnh hưởng nghiêm trọng với các loài động vật có vú nhưng lại rất độc hại đối với cá và các loài thuỷ sinh. Vì vậy, bạn cần đảm bảo rằng amoniac được xử lý hiệu quả để cá không mắc bệnh hoặc chết. Cách tốt nhất để loại bỏ amoniac – NH3 là tạo các vi khuẩn phá vỡ và biến chúng thành các sản phẩm phụ an toàn hơn và ít gây hại hơn.
Một chu trình nitơ gồm 3 giai đoạn chuyển hóa
Chuyển hóa Amoniac thành Nitrit (NH3 -> NO2)
Chu trình nitơ sẽ bắt đầu khi các động vật đẩy chất thải vào nước và bị phân hủy thành amoniac. Nếu độ pH của nước thấp (dưới 6.5), amoniac sẽ trở nên nguy hiểm hơn đối với cá. Cách đơn giản nhất để tăng amoniac trong bể là sử dụng thức ăn của cá, bạn có thể thả thức ăn vào bể và đo nồng độ amoniac cho đến khi kết quả đạt yêu cầu.
Khi NH3 quá cao so với nhu cầu và khả năng hấp thụ của cây thủy sinh trong bể thì một loại vi sinh có tên là Nitrosomonas sẽ được sinh ra tại những nơi có nhiều oxi và bắt đầu “ăn” NH3 rồi thải ra NO2.
Chuyển hóa Nitrit thành Nitrat (NO2 -> NO3)
Ngay sau khi có amoniac chuyển hóa thành nitrit, vi khuẩn Nitrosomonas được hình thành. Tuy nhiên, nitrit vẫn rất độc đối với cá và cần được xử lý để làm cho môi trường đạt yêu cầu. Quá trình oxy hóa nitrit để chuyển hóa thành nitrat diễn ra.
NO2 được sinh ra kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vi sinh Nitrospira ở cả những nơi có hàm lượng oxy thấp nhất trong bể. Chúng sẽ “ăn” NO2 và thải ra NO3. Lúc này cây thủy sinh sẽ hấp thu một phần NO3 để phát triển.
Không giống như amoniac và nitrit, nitrat không độc đối với cá ở mức thấp đến trung bình. Tuy nhiên, bạn vẫn phải luôn luôn chú ý giữ mức độ nitrat ở mức an toàn hoặc chuẩn nó thành Nitơ.
Khử Nitrat thành Nitơ (NO3 -> N2)
Đây là giai đoạn cuối cùng của chu trình nitơ. Quá trình này được tiến hành nhờ sự tham gia của các vi sinh yếm khí Anaerobic.
Nói chung, chu trình nitơ nói nôm na chính là quá trình chuyển hoá chất độc amoniac trong bể thuỷ sinh thành chất an toàn hơn là nitơ. Chu trình này cũng giống như một bộ lọc trong bể thuỷ sinh để giữ nước và cá luôn an toàn.
Để kiểm soát chất lượng nước tốt nhất, bạn nên thường xuyên theo dõi nồng độ nước, thay nước theo định kỳ, thêm nhiều cây thủy sinh vào bể.